KỶ VẬT CỦA KÍP XE TĂNG BẤT TỬ

22:35 |

Đến Bảo tàng Lực lượng Tăng-Thiết giáp vào những ngày tháng 3 lịch sử, chúng tôi được Thiếu tá Mai Thị Ngọc, Giám đốc Bảo tàng giới thiệu những hiện vật quý gắn liền với lịch sử Binh chủng Tăng-Thiết giáp anh hùng.

Đặc biệt, Bảo tàng hiện lưu giữ rất nhiều hiện vật nguyên gốc của “kíp xe bất tử” 377. Thiếu tá Mai Thị Ngọc cho biết:
“377 là kíp xe đã lập công xuất sắc và anh dũng hy sinh trong trận Đắc Tô 2, Mặt trận Tây Nguyên vào ngày 24-4-1972.
Kíp chiến đấu trên xe hôm đó gồm 4 thành viên: Thiếu uý Nguyễn Nhân Triển, Trung đội trưởng Trung đội Tăng 3, trưởng xe; đồng chí Cao Trần Vịnh, lái xe; đồng chí Nguyễn Đắc Lượng, Pháo thủ số 1; đồng chí Phạm Văn Ái, Pháo thủ số 2”.
Lịch sử Binh chủng ghi lại: Đúng 4 giờ 30 phút sáng ngày 24-4-1972, quân ta bắt đầu nổ súng tiến công căn cứ Tân Cảnh.
Từ hướng Đông Bắc và Tây Bắc, xe tăng ta nhanh chóng tiêu diệt các lô cốt, hoả điểm sát cửa mở và yểm trợ lẫn nhau vượt qua các lớp hàng rào thép gai, dùng hoả lực chi viện dẫn dắt bộ binh xung phong vào cứ điểm.
Ta lần lượt đánh chiếm các vị trí quan trọng như khu cố vấn Mỹ, khu binh sĩ Ngụy, Sở chỉ huy Trung đoàn 42 ngụy.
Sự xuất hiện của một lực lượng lớn bộ binh tinh nhuệ và xe tăng ta đã khiến địch thực sự hoảng loạn.
Bất chấp lệnh của quan thầy Mỹ, địch ở căn cứ Tân Cảnh đã vứt bỏ tất cả xe pháo rút chạy. Đến 8 giờ ngày 24-4-1972, quân địch ở căn cứ Tân Cảnh cơ bản bị tiêu diệt và bị bắt sống.
Trong lúc địch đang hoang mang vì mất Tân Cảnh, Bộ tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên quyết định điều một trung đội xe tăng và một xe cao xạ 57 ly tự hành hiệp đồng với Trung đoàn Bộ binh 1 đánh thẳng vào căn cứ Đắc Tô 2.
Suốt nửa buổi sáng chiến đấu liên tục, không có thời gian chuẩn bị, cơm chưa kịp ăn, Trung đội tăng 3 gồm các xe 377, 354, 369 vừa củng cố đội hình cơ động, vừa nắm địch, bắt liên lạc hiệp đồng với bộ binh.
Xe 377 dẫn đầu đội hình vọt lên với tốc độ cao, khéo léo di chuyển vượt qua các đợt ngăn chặn, đánh phá ác liệt của máy bay địch, tiếp cận mục tiêu sớm nhất.
Quân địch trong căn cứ thấy quân ta chỉ có một xe tăng, không có bộ binh đi kèm liền cho 10 xe M41 chia làm 2 mũi bao vây xe 377.
Lúc này, xe 377 rơi vào tình thế vô cùng hiểm nghèo, một mình giữa vòng vây xe tăng địch. Trung đội trưởng Nguyễn Nhân Triển đã hội ý chớp nhoáng với kíp xe và các anh đã đi đến quyết định đánh cảm tử.
Trung đội trưởng Nguyễn Nhân Triển đã mưu trí, dũng cảm chỉ huy xe 377 tả xung hữu đột, lao thẳng vào đội hình xe tăng địch bắn cháy liên tiếp 7 xe M41, làm địch rối loạn đội hình.
Trong lúc hỗn chiến, xe 377 bị trúng đạn bốc cháy. Đúng lúc ấy, xe 354 và 369 có bộ binh đi cùng kịp thời chi viện làm chủ căn cứ Đắc Tô 2.
Cụm căn cứ Đắc Tô - Tân Cảnh là tuyến phòng ngự mạnh nhất của địch ở Bắc Tây Nguyên đã hoàn toàn bị tiêu diệt.
Trận đánh kết thúc, đồng đội tìm thấy xe 377 đang bốc cháy giữa ngổn ngang xác xe tăng địch, cả kíp xe 4 người đã anh dũng hy sinh.
Bên cạnh thi thể không còn nguyên vẹn của các anh, chỉ còn đó những nắm cơm đã cháy thành than mà các anh chưa kịp ăn giữa hai trận đánh.
Thương tiếc khôn nguôi, đồng đội đã để các anh nằm lại với đất mẹ Tây Nguyên, với Đắc Tô- Tân Cảnh, nơi các anh đã chiến đấu và anh dũng hy sinh.
Ghi nhận những thành tích đặc biệt xuất sắc, ngày 9-1-2009, kíp xe tăng 377 đã được Chủ tịch nước truy phong danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Hiện nay, cán bộ, nhân viên Bảo tàng Lực lượng Tăng Thiết giáp đã sưu tầm và tổ chức trưng bày, giới thiệu rất nhiều hiện vật nguyên gốc về kíp xe 377.
Đó là bằng công nhận danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân của Chủ tịch nước; bi đông và sổ học tập chính trị của Trung đội trưởng Nguyễn Nhân Triển; di ảnh của 4 liệt sĩ trên kíp xe; hình ảnh xe 377 khi chiến đấu ở Tây Nguyên; kế hoạch sử dụng tăng-thiết giáp trong chiến dịch Bắc Tây Nguyên tháng 3-1972; lá thư cuối cùng của liệt sĩ Nguyễn Đắc Lượng gửi người anh trai; nắm cơm cháy trong xe tăng…
Báo QĐND Online trân trọng giới thiệu với bạn đọc hình ảnh những hiện vật của “kíp xe bất tử” 377:
Bi đông và sổ học tập chính trị của Trung đội trưởng Nguyễn Nhân Triển
Ảnh 4 liệt sĩ trên kíp xe
Xe 377 khi chiến đấu ở Tây Nguyên
Lá thư cuối cùng của liệt sĩ Nguyễn Đắc Lượng gửi người anh trai
Nắm cơm cháy các liệt sĩ chưa kịp ăn trong xe tăng 377
Read more…

CÔNG AN HÀ NỘI PHÔ DIỄN SỨC MẠNH BẢO VỆ HỘI NGHỊ IPU

20:42 |

Xe ZAAM chống đạn, xe bọc thép hạng nặng, thiết giáp bộ binh bánh lốp, xe phun nước chống bạo động... được giới thiệu trong lễ ra quân bảo vệ IPU 132 sắp diễn ra tại Hà Nội.

Chiều 22/3, Công an Hà Nội làm lễ ra quân bảo vệ Đại hội đồng liên minh Nghị viện Thế giới (IPU 132) diễn ra ngày 28/3 - 1/4 và các sự kiện quan trọng năm 2015. Những khí tài đặc biệt, hiện đại được huy động nhằm bảo vệ hội nghị diễn ra tới đây được an toàn.
Xe ZAAM chống đạn của lực lượng cảnh sát đặc nhiệm, cảnh sát cơ động với mục đích chống khủng bố, giải cứu con tin.
Xe bọc thép hạng nặng chống đạn với nhiều chức năng hiện đại cũng được huy động lần này.
Xe bọc thép chống đạn là một trong những khí tài chủ chốt làm nhiệm vụ bảo vệ IPU 132 tại Hà Nội.
Xe thiết giáp bộ binh bánh lốp (BTR - 60PB) của Bộ Tư lệnh Thủ đô.
Đây là loại xe chuyên dụng, có hỏa lực mạnh, tính cơ động cao, chở bộ đội tác chiến trên nhiều địa hình và làm nhiệm vụ chống bạo loạn.
Xe phun nước đặc chủng chống bạo động của lực lượng cảnh sát cơ động. Đây được xem là loại xe có nhiều tính năng hiện đại, hiệu quả bậc nhất hiện nay để chống bạo động. Thiết bị mang mã hiệu JCR-6500 do JINO Motors sản xuất có lớp lưới thép bảo vệ kính phía trước, 2 bên cửa và khoang chứa nước khá lớn.
Theo sau là hai xe phun nước đặc chủng chống bạo động của cảnh sát cơ động do hãng Hyundai sản xuất. Súng phun nước chính đặt trên nóc cabin và được bảo vệ bởi hộp thép.
Lực lượng phòng hóa của Bộ Tư lệnh Thủ đô cũng có mặt. Đây là lực lượng tinh nhuệ, chuyên xử lý những tình huống khi có bom hóa học, cháy nổ xảy ra.
Xe thiết giáp chống bạo động của Bộ Tư lệnh Thủ đô.
Xe truyền thu phát tín hiệu các vệ tinh Vinasat 1, Vinasat 2 của Bộ Tư lệnh Thủ đô nhằm đảm bảo tín hiệu diễn ra thông suốt.
Hàng nghìn cán bộ, chiến sĩ cảnh sát cơ động làm nhiệm vụ tại IPU 132.
Hàng rào dây thép gai được chuyên chở trên những chiếc xe kéo.
Lực lượng cảnh sát 113 của thủ đô cũng sẵn sàng làm nhiệm vụ.
44 chiếc xe Camry Hybrid do Chính phủ Nhật Bản viện trợ sẽ làm nhiệm vụ dẫn đường, đón các đoàn nguyên thủ.
Phòng Cảnh sát giao thông Công an Hà Nội huy động toàn bộ lực lượng.
 Xe thang chuyên dụng của Sở Cảnh sát PCCC Hà Nội có thể vươn cao 56 mét (tương đương tòa nhà 18 tầng).

Read more…

LẤY VŨ KHÍ ĐỊCH ĐỂ ĐÁNH ĐỊCH

20:25 |
“Lấy vũ khí của địch để đánh địch” là phương châm hành động của bộ đội ta trong chiến đấu, đồng thời là biện pháp quan trọng để bảo đảm kỹ thuật góp phần cho chiến đấu thắng lợi. Việc này được tiến hành từ những trận đánh đầu tiên khi quân đội ta mới ra đời và tiếp tục được vận dụng linh hoạt, sáng tạo trong 30 năm chiến tranh giải phóng. Đặc biệt là trong Đại thắng mùa Xuân năm 1975, cách đây tròn 40 năm về trước, để tập trung một khối lượng lớn vũ khí trang bị kỹ thuật (VKTBKT) cho chiến đấu.
Trước khi vào Chiến dịch Tây Nguyên, ta đã có công tác chuẩn bị chu đáo về hậu cần, kỹ thuật. Đoàn 559 đã sử dụng hơn 1000 xe vận tải cùng các lực lượng khác vận chuyển vật chất đạt 110% kế hoạch, bảo đảm đủ cho bộ đội Tây Nguyên hoạt động trong cả năm 1975. Các căn cứ hậu cần, kỹ thuật của ta cũng đã tiếp nhận 1.681 tấn vũ khí, đạn. Song, ngay trong những trận đánh mở màn chiến dịch ngày 10-3, Trung đoàn Đặc công 198 đã thực hiện tốt phương châm “Lấy vũ khí của địch để đánh địch”, nhanh chóng đánh chiếm kho Mai Hắc Đế, thu giữ 50 nhà kho đạn pháo (hơn 100.000 tấn), 200 súng các loại, kịp thời trang bị cho các đơn vị sử dụng, tăng cường hỏa lực cho các đơn vị trên chiến trường. Chiến dịch Tây Nguyên kết thúc thắng lợi, ta đã thu hơn 10 nghìn tấn chiến lợi phẩm, trong đó có 3.855 tấn đạn, 150 tấn vật chất cùng hàng chục nghìn khẩu súng, pháo, xe ô tô, trang thiết bị quân sự...
Đến Chiến dịch Trị Thiên-Huế, Đà Nẵng, ta tiếp tục thu được 102.027 tấn chiến lợi phẩm, trong đó có hàng vạn tấn vũ khí đạn dược. Khối lượng vật chất, kỹ thuật to lớn này đã kịp thời bổ sung cho bộ đội ta bước vào Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. “Lịch sử kỹ thuật quân sự Việt Nam, trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước”, có ghi: “Chiến dịch Tây Nguyên, Trị Thiên-Huế, Đà Nẵng đã tăng sức chiến đấu của ta lên gấp bội. Ta thu được một khối lượng lớn vũ khí đạn dược của địch. Quân chủ lực trong một thời gian ngắn đã tăng lên gấp bội, có sức cơ động khắp chiến trường”. Trong đội hình xe đưa các binh đoàn chủ lực cơ động thần tốc vào Chiến dịch Hồ Chí Minh, có nhiều phương tiện, vũ khí thu được của địch từ các chiến dịch trước đó. Trung tướng Nguyễn Ân, nguyên Sư đoàn trưởng Sư đoàn 304 (Quân đoàn 2) cho biết: “Để bảo đảm cho sư đoàn cơ động chiến đấu, tiến đánh vào Dinh Độc Lập, sào huyệt cuối cùng của kẻ thù, Sư đoàn 304 đã sử dụng hơn 400 phương tiện các loại, trong đó có nhiều phương tiện thu được của địch trên chiến trường. Bản thân tôi là Sư đoàn trưởng khi chỉ huy bộ đội tiến vào giải phóng Sài Gòn cũng cơ động trên một chiếc xe chiến lợi phẩm...”.
Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, ta đã huy động tổng lực về lực lượng, VKTBKT để giành thắng lợi. Phương châm “lấy vũ khí của địch để đánh địch” tiếp tục được vận dụng sáng tạo, hiệu quả. Điển hình nhất là việc ta đã sử dụng máy bay thu được của địch để đánh địch đúng vào thời điểm then chốt của chiến dịch, khiến cho chúng càng thêm hoảng loạn, nhanh chóng sụp đổ. Ngày 28-4-1975, “Phi đội quyết thắng”, gồm 5 máy bay A37 thu được của địch, do phi công Nguyễn Thành Trung bay dẫn đường đã cất cánh từ Sân bay Thành Sơn (Phan Rang), cắt bom chính xác vào các mục tiêu trong Sân bay Tân Sơn Nhất, phá hủy 24 máy bay của địch. Thực hiện trận đánh này, một số phi công của ta đã phải nỗ lực huấn luyện chuyển loại gấp trong 6 ngày. Cán bộ kỹ thuật của Quân chủng Phòng không-Không quân đã chuẩn bị kỹ máy bay A37 từ Đà Nẵng, hóa nghiệm xăng dầu, đưa máy bay vào Phan Rang bí mật, an toàn.
Thực hiện phương châm “lấy vũ khí của địch để đánh địch”, thể hiện rõ trong các chỉ thị, quyết định của Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng về việc tiếp quản, thu hồi trang bị, vật tư ở chiến trường trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975. Ngày 27-3-1975, thực hiện chỉ đạo của Bộ Quốc phòng, Tổng cục Kỹ thuật đã thành lập đoàn tiếp quản, thu hồi cơ sở vật chất, vũ khí, phương tiện chiến đấu ở chiến trường Trị-Thiên. Đến ngày 16-4-1975, Tổng cục Kỹ thuật tiếp tục thành lập Đoàn tiếp quản gồm đầy đủ các cơ quan trong ngành kỹ thuật. Ngày 20-4, Tổng cục Kỹ thuật tiếp tục ra quyết định thành lập Cơ quan tiếp quản về kỹ thuật quân sự ở Sài Gòn-Gia Định với lực lượng hùng hậu hơn 3.800 người, trong đó có 579 cán bộ. Đặc biệt, ngay sau Chiến thắng 30-4, ngày 4-5-1975, Quân ủy Trung ương đã ra Chỉ thị số 126/QUTW về công tác thu hồi, quản lý, bảo quản, sử dụng các cơ sở vật chất, kỹ thuật thu được của địch trong vùng giải phóng. Nhờ vậy, những VKTBKT thu được từ trong chiến tranh đã được Quân đội ta quản lý, sử dụng hiệu quả...
Ngày nay, trước yêu cầu, nhiệm vụ của quân đội, việc giữ tốt, dùng bền, sử dụng an toàn, tiết kiệm, hiệu quả VKTBKT, trong đó có những VKTBKT thu được từ trong các cuộc chiến tranh giải phóng trước đây luôn là nhiệm vụ thường xuyên của cán bộ, chiến sĩ toàn quân. Đó vừa là tình cảm, vừa là trách nhiệm, thể hiện sự trân trọng về những thành quả đã được đổi bằng xương máu của các thế hệ đi trước. Phương châm “lấy vũ khí của địch để đánh địch” là bài học kinh nghiệm sâu sắc, tiếp tục được nghiên cứu, vận dụng phù hợp trong công tác bảo đảm kỹ thuật trong giai đoạn mới...
ĐÀO DUY HÒA - HOÀNG NGỌC CẨN, Giảng viên Học viện Chính trị.

Read more…